Đài Loan, Việt Nam 'chạy đua' bảo vệ ngành công nghệ trong Covid-19 |
Hai trong số những trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng nhất châu Á đang vật lộn trước "làn sóng" Covid-19 mới, phủ bóng đen lên chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Đài Loan là nơi cung cấp nguồn chip tiên tiến quan trọng bậc nhất hiện nay. Chip được sản xuất tại hòn đảo này đảm nhiệm tác vụ xử lý cho mọi thứ, từ ôtô, điện thoại đến máy chủ, máy chơi game. Trong khi đó, Việt Nam đang dần trở thành một cường quốc sản xuất đồ điện tử khi đóng góp một nửa sản lượng smartphone của Samsung, lắp ráp tai nghe AirPods và nhiều sản phẩm khác của Apple. Cả hai nơi đều được các tổ chức quốc tế ca ngợi là những điển hình trong cuộc chiến ngăn chặn sớm đại dịch. Tuy nhiên, chỉ trong 13 ngày kể từ 14/5 đến 27/5, Đài Loan ghi nhận 4.798 trường hợp nhiễm Covid-19 trong khu vực, nhiều gấp ba lần số ca ghi nhận trước đó. Còn Việt Nam những tháng gần đây cũng chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp bốn lần, lên hơn 6.000 người, buộc một số nhà máy phải tạm đóng cửa. Đối với Đài Loan, việc duy trì ngành công nghiệp chip hoạt động trơn tru là ưu tiên hàng đầu. Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua cho biết chính phủ khuyến khích người dân làm việc tại nhà, nhưng ngay cả khi nâng mức cảnh báo dịch bệnh, Đài Loan sẽ luôn đảm bảo chuỗi cung ứng quốc tế quan trọng tiếp tục hoạt động. "Đài Loan đang là nơi cung cấp chất bán dẫn, sản phẩm công nghệ và nhiều hàng hóa máy móc cho thế giới. Vì vậy, hoạt động sản xuất phải được duy trì thậm chí trong hoàn cảnh thế này", ông Wang nói trong một cuộc họp báo hôm 29/5. "Các công ty cần phải phản ứng nhanh nếu có một công nhân trong dây chuyền bị nhiễm virus". Các công ty công nghệ lớn, bao gồm Foxconn, đang cố gắng tự mua vaccine để duy trì hoạt động kinh doanh. Các nguồn tin cho biết, nhóm doanh nghiệp này sẽ mua vaccine từ các nhà cung ứng nước ngoài và sử dụng 10% cho nhân viên, sau đó quyên góp phần còn lại cho chính phủ. Kế hoạch tự mua vaccine được đưa ra khi hàng loạt công ty báo cáo phát hiện trường hợp nhân viên dương tính với Covid-19. Các công ty này gồm TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Quanta Computer - đơn vị cung cấp máy chủ cho Google, lắp ráp MacBook và Compal Electronics - nhà sản xuất iPad, laptop Dell. Advantech - nhà sản xuất máy tính công nghiệp lớn nhất thế giới, và Lite-On Technology - cung cấp bộ sạc cho Apple và Oppo - cũng cho biết đã có nhiều nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Những trường hợp này hiện vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất, nhưng số lượng ca nhiễm Covid-19 gia tăng của Đài Loan đang dấy lên lo ngại về việc hoạt động của các nhà máy lớn khi thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chất bán dẫn và các thành phần quan trọng khác. Cũng giống Đài Loan, Việt Nam đang chạy đua để bảo vệ ngành sản xuất thiết bị điện tử của mình. Vị trí địa lý thuận lợi giúp Việt Nam trở thành một cường quốc sản xuất công nghệ, đáp ứng đơn hàng từ Samsung, Apple đến Sharp và LG. Việt Nam có địa điểm lắp ráp và thử nghiệm chip lớn nhất của Intel, cùng với đó là sự xuất hiện của một loạt nhà cung cấp linh kiện Apple nằm trong quá trình chuyển hướng khỏi Trung Quốc. Kết quả, đồ điện tử và các bộ phận liên quan hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trong các đợt bùng dịch trước cho phép những "gã khổng lồ" công nghệ này yên tâm tiếp tục tung ra các thiết bị điện tử mới. Trong cả năm 2020, cả nước ghi nhận khoảng 1.500 trường hợp mắc và chỉ 35 trường hợp tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, giờ đây, Việt Nam đang đối phó với làn sóng dịch thứ tư và cũng là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Không giống những đợt bùng phát trước đây, đợt này ảnh hưởng đến các khu công nghiệp. Các nhà cung cấp của Canon, Apple, Foxconn, Luxshare và 13 nhà cung cấp của Samsung bao gồm Hosiden đều tạm dừng hoạt động. Với tầm quan trọng của ngành sản xuất điện tử trong nền kinh tế, chính phủ Việt Nam rất muốn giữ cho chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hôm 26/5 cảnh báo rằng các tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nơi có các khu công nghiệp trọng điểm, vẫn có "nguy cơ rất cao" về dịch bệnh. Đài Loan và Việt Nam có một điểm tương đồng khác: cả hai, ngay từ đầu, đều không tập trung vào vaccine mà ngăn chặn các ca bệnh bằng cách đóng cửa biên giới và giãn cách các điểm nóng về dịch bệnh, đồng thời tiến hành xét nghiệm và truy vết hàng loạt. Chiến lược này ban đầu giúp cho các doanh nghiệp mở cửa, nhưng hiện nay các quốc gia phương Tây đang vượt lên dẫn đầu nhờ vào khả năng tiếp cận vaccine nhanh chóng. Chính phủ Việt Nam đã chuyển trọng tâm sang vaccine, bắt đầu bằng việc phê duyệt vaccine của AstraZeneca. Trong khi đó, Đài Loan vẫn đang vật lộn để đảm bảo đủ lượng vaccine cho 23,5 triệu dân, với tỷ lệ tiêm chủng ở mức dưới 1,5%. Ben Grey, Giám đốc thị trường vốn tại Cushman & Wakefield, đánh giá: "Hầu hết các nhà sản xuất giá trị cao sẽ chỉ dự trữ lượng linh kiện sản xuất kéo dài hai đến ba tuần, do chi phí cao và thực tế đơn giản là mọi thứ từng có thể được di chuyển khắp thế giới một cách dễ dàng". Ông nói thêm rằng, có thời điểm, sự gián đoạn của dịch bệnh đã buộc Samsung phải chuyển hầu hết bộ phận sang Việt Nam và "đây không phải là chiến lược dài hạn hiệu quả về chi phí". Đăng Thiên (theo Nikkei Asia) |